Vô tình trong câu chuyện cafe sáng nay với cô bạn hồi đại học, chúng mình mới nhận ra là “ồ những đứa trẻ ngoan thường không có kẹo ăn”; Đó chỉ là quan điểm cá nhân của chúng tôi, nhưng đó là một sự thật đáng suy nghĩ.
Tại sao đứa trẻ hiểu chuyện lại không có kẹo ăn?
“Hiểu chuyện, ngoan ngoãn, nhường nhịn” là điều mình được dạy từ bé và cũng nhiều người bạn của mình cũng như vậy. Mình là chị cả mình phải nhường nhịn em, mình phải ngoan…nhưng liệu cứ ngoan là cái gì cũng sẽ có. Mình không bàn cãi đến việc cách dạy đó là đúng hay sai nhưng những đứa trẻ quá hiểu chuyện liệu có được trân trọng không? Trong một gia đình, mình luôn thấy không thể nào công bằng với tất cả những đứa con, sẽ có những đứa trẻ được quan tâm hơn một chút hoặc nhiều chút. Thông thường, sự chú ý của phụ huynh sẽ va vào đứa trẻ nó “yếu thế hơn” bởi nghĩ nó cần sự giúp đỡ, cần được quan tâm mà vô tình bỏ qua đứa trẻ mà được coi là “ngoan”.
Không phải lúc nào ngoan cũng tốt, không phải ngoan là sẽ có tất cả đâu, nhiều khi mặc định là “phải ngoan như thế, vốn dĩ ngoan như thế” nên bị lờ đi và coi nó là điều hiển nhiên. Những đứa trẻ ngoan thường bị coi là không cần sự giúp đỡ, không cần được quan tâm và không cần được quan tâm nhiều như những đứa trẻ khác. Điều này có thể dẫn đến tình trạng bị bỏ qua, thiếu tình cảm và sự quan tâm. Thậm chí, những đứa trẻ ngoan có thể bị xem là “tự động” và bị bỏ qua hoàn toàn.
Tủi thân không?
Cá nhân mình thấy là có, đứa trẻ ngoan luôn là người khao khát được quan tâm nhất, chia sẻ nhất, nhưng đôi khi đó là những đứa trẻ nỗ lực hơn cả. Có đôi lúc cách họ “ngoan hơn” là để nhận được sự chú ý của cha mẹ nhưng vẫn như những gợn sóng nhỏ mà thôi. Cố gắng nhiều chứ, nỗ lực nhiều chứ những công bằng luôn là thứ khó có thể đạt được.
Mong muốn bớt đi gánh nặng lo toan cho phụ huynh nhưng vô tình lại đặt áp lực lên cho chính bản thân mình. Chắc là mình cũng viết luẩn quẩn lắm bởi mình hiện tại chưa có gia đình, cũng chưa hiểu được tâm ý của người làm cha làm mẹ nên là nó sẽ bị phiến diện từ góc nhìn của 1 đứa con. Mình thấy là đôi khi sự “hư” của một đứa trẻ nếu đã là điều “quá quen” thì người ta dễ dàng chấp nhận điều đó bởi “hiển nhiên nó là thế rồi” nhưng với 1 đứa trẻ ngoan nếu “hư 1 chút thôi” là sẽ thấy “mày thay đổi rồi, mày không biết lo nghĩ gì à”…Khá là tổn thương.
Tự bơi trong cảm xúc, tự lăn lộn ngoài xã hội nhưng liệu của cải, tài sản liệu có được chia đều. Thông thường những đứa trẻ hiểu chuyện chẳng tranh đua đâu, cho thì tốt, thì trân trọng nhưng không cho thì cũng cố gắng chủ động phấn đấu làm ra. Phụ huynh lo cho những đứa con “yếu thế hơn” cũng sợ là sau này nó sẽ sống như thế nào, còn đứa kia thì có niềm tin là nó có thể “tự phấn đấu được”.
Vô tình hay cố ý, nhưng nó cũng là sự tổn thương!
Một bài post khá là không đầu không đuôi…